Mới đây, UBND tỉnh Hòa Bình vừa có văn bản chấp thuận cho phép Công ty TNHH Mặt trời Hòa Bình (thuộc Sun Group) là nhà đầu tư thực hiện 2 dự án bất động sản quy mô 9.000 tỷ đồng.
Cụ thể, dự án đầu tiên là Quần thể khu đô thị sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp và hệ thống cáp treo Cuối Hạ tại xã Kim Bôi và xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi. Dự án này có tổng vốn đầu tư trên 6.656 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư góp vốn 998 tỷ đồng (chiếm khoảng 15% tổng vốn đầu tư), còn lại là vốn vay.
Theo đó, với dự án này, hạng mục nhà ở có khoảng 1.200 căn nhà ở biệt thự đơn lập, song lập, tứ lập, biệt thự nghỉ dưỡng ven đồi, ven hồ với diện tích từ 350m2 đến 750 m2, tầng cao 3-4 tầng, mật độ xây dựng 25-30%. Nhà ở liền kề kết hợp thương mại có khoảng 700 căn với diện tích từ 90m2 đến 120m2, tầng cao 4-5 tầng, mật độ xây dựng tối đa 60%.
Về tiến độ thi công, chủ đầu tư sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng dự án từ quý IV/2022 đến quý IV/2025. Và sẽ đưa vào khai thác vận hành từ quý IV/2025 đến quý I/2026.
Ngoài dự án nêu trên, tỉnh Hòa Bình cũng đã chấp thuận cho Công ty TNHH Mặt trời Hòa Bình triển khai dự án Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Hồ Khả tại xã Quý Hòa, huyện Lạc Sơn. Tổng mức đầu tư dự án này là hơn 2.600 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 15% (khoảng 394 tỷ đồng), còn lại là vốn vay.
Về tiến độ thi công, dự án sẽ được Sun Group hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng từ quý IV/2022. Sau đó sẽ đầu tư xây dựng các hạng mục của dự án từ quý I/2023 đến quý IV/2025. Đến quý I/2026, sẽ hoàn thành đầu tư và đưa dự án đi vào hoạt động.
Dự kiến sẽ xây dựng khoảng 110-200 căn biệt thự đơn lập với diện tích 600m2 đến 750m2, và 100-120 căn biệt thự song lập, tứ lập có diện tích từ 450m2 đến 500m2 tại dự án.
Về thời hạn sử dụng đối với hai dự án là đất ở được sử dụng lâu dài; đất thương mại, dịch vụ sử dụng trong thời hạn 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất.
Ngoài ra, UBND tỉnh Hoà Bình cũng yêu cầu chủ đầu tư trong thời gian 3 tháng (kể từ ngày UBND tỉnh có văn bản chấp thuận nhà đầu tư) sẽ nộp tối thiểu 1/3 giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được tạm tính theo Quyết định chủ trương đầu tư. Phần còn lại sẽ được nộp theo tiến độ tại phương án đền bù giải phóng mặt bằng được Nhà nước phê duyệt để tiến hành giải phóng mặt khu đất thực hiện dự án.
Được biết, những năm gần đây, bất động sản Hòa Bình đang đón nhận dòng vốn đầu tư khổng lồ tới từ các “ông lớn” bất động sản. Những “sếu đầu đàn” trong lĩnh vực bất động sản như Vincom Retail, T&T Group, FLC, Phú Mỹ Hưng, Geleximco…. đang đổ về Hòa Bình “xây tổ”. Thị trường bất động sản của vùng đất giáp ranh phía Tây Hà Nội cũng nhờ thế mà trở nên sôi động và hấp dẫn hơn bao giờ hết.